Trong sách Rich Dad, Poor Dad có nói đến kim tứ đồ, làm khung sườn cho việc dẫn dắt người ta cách làm giàu. Kim tứ đồ chia người kiếm tiền ra thành 4 nhóm.
– Nhóm L là sống nhờ đồng lương, đi làm thuê cho người khác, cho công ty, xí nghiệp. Hết việc là hết lương. Tiền lương chỉ đủ nuôi thân hoặc gia đình nhỏ mà không dư dả.
– Nhóm T làm nhóm làm công cho chính mình, ví dụ như bác sĩ mở phòng mạch tư, ca sĩ, luật sư… Thu nhập có khá hơn nhóm L nhưng cũng sẽ mất thu nhập khi đến tuổi hưu hay mất sức, tai nạn… Trong nhóm này có cả người nông dân và nghệ nhân.
– Nhóm C, là nhóm làm chủ, chủ công ty, chủ nhà máy… thuê người khác lao động, sinh lợi cho mình. Nếu bộ máy sinh lợi vận hành ổn định thì chủ có thể đi chơi, dòng tiền vẫn cứ sinh ra từ hệ thống. Đây chính là người giàu. Giàu nhờ sử dụng đòn bẫy sức người, đòn bẫy tài chính, đòn bẫy công nghệ…
– Nhóm D là nhũng nhà đầu tư, có tiền nhàn rỗi, đem “đầu tư” vào các công ty của nhóm C. Khi nhóm C làm ăn có lời thì chia lợi tức. Nhóm D ngồi mát ăn bát vàng, không làm mà vẫn có ăn. Tổ sư của nhóm này là Warrent Buffet.
Ngoài các nhóm đó, những kẻ làm giàu bằng quyền lực thuộc về nhóm khác.
Nhìn chung thì anh làm chủ có trí óc, xây dựng cơ sở cho anh làm thuê thực hiện. Hai bên sống cộng sinh, tạo ra giá trị xã hội. Mặc dù thấy anh làm chủ thu nhiều tiền nhưng lại là người có đời sống kém chất lượng nhất. 80 phần trăm số ông chủ trắng tay, mất vốn trong một năm đầu. Sang năm sau số còn lại tiếp tục chết 80% nữa. Công nhân thì chỉ đi làm, cuối tháng lãnh lương, cuối năm chờ thưởng tết. Những lúc đó ông chủ méo mặt vì lo toang.
Nhiều người có dư chút tiền, học làm “nhà đầu tư”, hưởng tiền thụ động. Đây nói về nhà đầu tư hưởng cổ tức, không nói về các nhà đầu tư cổ phiếu khôn ngoan mua đáy bán đỉnh. Số khôn ngoan đó cực hiếm.
Rường cột của kinh tế vẫn là ông chủ và anh thợ, nhũng người tạo ra giá trị xã hội. Nhà đầu tư có công góp vốn, nhưng thực chất là ăn theo.
Khi suy thoái kinh tế thì các ông chủ chết trước, mất tài sản, sạt nghiệp, có khi vướng vòng lao lý. Anh thợ tất nhiên bị mất việc làm, mất thu nhập. Tuy vậy, anh thợ vẫn có thể tìm một việc làm khác kiếm sống. Anh làm tư thì ổn định hơn mặc dù có giảm thu nhập do xã hội bớt chi tiêu. Và nhà đầu tư thì tất nhiên chết theo ông chủ. Hùn tiền cho doanh nghiệp làm ăn, khi có lời thì cùng chia, khi bị lỗ thì cùng chịu.
Trên cõi mạng có anh Pháp Sư chuyên dạy làm giàu. Anh ta xuất thân từ tâng lớp L, sau đó học làm chủ, cuối cùng trở thành nhà đầu tư, tức là dùng tiền mua cổ phiếu của các công ty blue chip. Bí quyết của anh là biết đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp. Nhờ đó anh ăn bám vào các ông chủ và công nhân để được nhàn hạ, về hưu ở tuổi 40 và muốn trở thành thầy thiên hạ. Anh rất phấn khích giảng giải và phân tích về kinh tế vi mô, vĩ mô và cả thời sự chính trị thế giới mặc dù anh viết chính tả 10 câu trật hết 9 câu. Anh ưa miệt thị người lao động có thu nhập thấp như giáo viên, công chức. Anh cũng miệt thị luôn cả các chủ doanh nghiệp khi mà đến tuổi 50 vẫn phải vắt óc ra kiếm tiền.
Khi sự cố Vạn Thịnh Phát xảy ra, anh hít hà tỏ lòng thương xót cho các nhà đầu tư khác vì đã lỡ đầu tư theo diện trái phiếu. Không biết anh đang sống ký sinh trên cây đại thụ nào, nhưng trước đây nghe anh kể tên một vài đại thụ thì 3 cây đã héo hết 2. Vẫn mong anh tiếp tục sống đời nhàn hạ để làm pháo nổ vui tai trên cõi mạng. Nếu một mai nhũng cây cổ thụ mà anh đang ký sinh bị đốn ngã thì chắc sẽ buồn lắm vì anh nổ nghe rất giòn, rất vui tai.
BS. Phan Xuân Trung