Hôm nay Martin sẽ chia sẻ với các bạn một công cụ tâm lý học cực mạnh. Đây là một công cụ được phát triển từ lâu đời nhưng gần đây trong Thế chiến hai nó đã được cải tiến và nâng cấp. Tình cờ mà Martin đã được biết công cụ này, và rất bất ngờ khi sang Israel mình lại nghe một giáo sư cho biết công cụ này được sử dụng thường xuyên trong các bài test tuyển dụng của quân đội Israel.
Công cụ có tên Bản đồ tính 16 nhóm tính cách, được phát triển dựa trên nền tảng MBTI nhưng có cải tiến đôi chút. Trước khi đi sâu vào chi tiết thì mình xin nói rõ đây là một công cụ dựa vào mô hình Descriptive, tức thuộc nhóm mô hình mô phỏng lại hiện trạng thực tế, nhưng không rõ ràng trong việc đưa ra lời khuyên mang tính giải pháp. Tức là sau khi sử dụng mô hình này, các bạn sẽ cảm thấy nó đoán đúng tính cách của mình quá, như đi guốc trong bụng vậy đó. Nhưng bạn sẽ không hiểu sâu được nguyên nhân của các hành vi đó, cũng không tìm ra được giải pháp cụ thể để phát triển tối đa tiềm năng của bản thân. Để làm được việc đó chúng ta cần mô hình mang tính Prescriptive, tức loại mô hình giúp truy cứu nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Martin sẽ chia sẻ một công cụ như vậy trong các bài sau, nó tên là La bàn 9 hướng. Bài này chỉ giới hạn một mô hình descriptive thôi nhé.
Giờ vào phần chính, Martin sẽ giới thiệu năm nhóm yếu tố chính sẽ quyết định tính cách của một người trước.
MỤC LỤC
Năm nhóm yếu tố chính quyết định tính cách một người
Yếu tố thứ nhất là Cách lấy năng lượng,
Chia làm hai kiểu người là người Hướng nội và người Hướng ngoại.
Người hướng ngoại cảm thấy được tiếp năng lượng từ những hoạt động mang tính nhiệt tình, như hoạt động nhóm, dã ngoại, du lịch nhóm, nói chuyện với mọi người, gặp mặt bạn bè. Nhóm này mà để họ ở một mình hơi lâu sẽ cảm thấy buồn buồn chịu không nổi, tro tàn bếp lạnh là điều tối kỵ với họ, phải sung, hoạt động nhiều thì họ mới thấy sảng khoái và khoẻ mạnh.
Ngược lại người hướng nội rất thích chill một mình, đối với họ việc tập trung chú ý vào một chủ đề mang tính cá nhân, sở thích đam mê riêng, không gian tĩnh lặng, môi trường ít xung đột là điều kiện tiên quyết để họ cảm thấy lên tinh thần, khoan khoái, dễ chịu, xả stress. Nhóm này mà bắt họ phải xã giao với người lạ, làm việc trong môi trường nhiều áp lực, hay gặp những người ăn nói bỗ bã ồn ào, thì họ sẽ rất mau thấy chán nản, khó chịu, tức giận và hiệu suất làm việc xuống rất nhanh.
Yếu tố thứ hai là Ưu tiên sử dụng năng lượng.
Yếu tố này gồm hai nhóm người là người Trừu tượng và người Thực tế.
Tại sao gọi là ưu tiên sử dụng năng lượng? nói nôm na cho dễ hiểu thì
- nhóm Trừu tượng sẽ thấy những vấn đề ngắn hạn, thực tế ngay trước mắt là những chuyện vặt, cỏn con, tủn mủn, không có ý nghĩa;
- còn nhóm Thực tế thì ngược lại, cho rằng những việc xa xôi về thời gian và không gian là những việc tào lao bí đao, chẳng có lan quyên gì tới sự sống thực chất hiện tại, không có nghĩa lý gì.
Thật ra cả hai yếu tố trừu tượng và thực tế đều quan trọng. Một sự cân bằng sẽ công nhận người thực tế là những người xử lý công việc hiệu quả và đáng tin cậy, trong khi người trừu tượng có khả năng think out of the box, họ sáng tạo, nhìn ra những khía cạnh khác cũng quý giá nhưng thường bị bỏ qua do quá khó hiểu đối với người thực tế. Người trừu tượng giỏi giải đáp chữ Why trong khi người thực tế rất thông thạo chữ How.
Yếu tố thứ ba là Giá trị sống ưu tiên,
gồm người Lý trí và người Tình cảm.
- Người lý trí quan trọng nhất là sự hiệu quả. Đối với họ ý định dù tốt đến đâu nhưng nếu không đúng phương pháp và dẫn đến kết quả tồi thì cũng không có giá trị. Họ sẵn sàng ra quyết định gây phật lòng nhiều người nếu họ biết cuối cùng nó đem lại quả ngọt.
- Người tình cảm thì quan tâm đến cảm xúc của người khác hơn. Đối với họ cách làm nào dù có tốt nhưng làm tổn thương mọi người thì đều là sai lầm và không có giá trị. Quan trọng không phải đích đến mà là quãng đường chúng ta đi bên nhau, người tình cảm nghĩ như vậy đấy.
Yếu tố thứ tư là Chiến lược sống,
gồm hai nhóm là người Kỷ luật và người Tuỳ cơ ứng biến.
Người kỷ luật thích lập kế hoạch cụ thể và ghét nhất là mọi việc không xảy ra theo đúng như họ dự trù. Họ làm mọi cách để chuẩn bị và chi phối hoàn cảnh theo ý mình, gồm dự trù rủi ro, tuân thủ nguyên tắc, hoàn thành trước thời hạn, quyết định nhanh ngay khi còn thế chủ động. Nhờ chiến lược này nên người Kỷ luật ít khi gặp chuyện bất ngờ, tai nạn, hay tai hoạ không ngờ do thiếu sót, xao nhãng. Nhưng một khi sự vụ bất ngờ ập tới ngoài tất cả những bức tường dự liệu của họ, dù nhỏ và nếu bình tĩnh thì họ dễ dàng vượt qua, thì nhóm người này lại trở nên lúng túng và hoảng loạn hơn bình thường.
Ngược lại người Tuỳ cơ ứng biến có khả năng thích nghi cực nhanh, thay đổi tốt, nhanh trí, linh hoạt tuỳ hoàn cảnh sẽ có cách cư xử tốt nhất. Nhưng cũng vì vậy mà họ hay “hoa rơi cửa Phật vạn sự tuỳ duyên”, họ ghét lập kế hoạch, không thể tuân thủ nguyên tắc, và thiếu kiên nhẫn. Họ cũng thường hay gặp tai nạn tiếu lâm và làm trò cười cho thiên hạ vì những sai sót hết sức ấu trĩ do thiếu sự chuẩn bị chu đáo, thói đãng trí và mất tập trung.
Yếu tố cuối cùng là Vị trí đặt góc nhìn chính mình,
gồm người Từ ngoài nhìn vào và người Từ trong nhìn ra.
Người từ ngoài nhìn vào thường xuyên tự hỏi trong mắt mọi người, trong mắt thế hệ sau, mình là người như thế nào? Họ tham vọng lớn và luôn luôn nỗ lực tuyệt vời để thành công vì chỉ có như vậy họ mới nhìn thấy bản thân mình sống có ích, có giá trị.
- Ở phiên bản tích cực nhất, họ đóng góp lớn vào tiến trình đi về phía trước của nhân loại, mở giới hạn, và biến điều không thể thành có thể.
- Nhược điểm là nếu như mọi việc không được như ý, tức là thất bại trong quan điểm của họ, thì họ sẽ cảm thấy chán nản và bi quan, tiêu cực, tự ti, xấu hổ, nặng lời chỉ trích quá đáng mọi người, hay đem điểm xấu của người khác ra sỉ vả, cười cợt.
Ngược lại, người Từ trong nhìn ra không có tham vọng lớn, họ không quan tâm tới người khác nghĩ gì về mình mà chỉ quan tâm tới vai trò của bản thân sẽ tốt nhất như thế nào để phù hợp với tổng thể xã hội. Đây là những người khiêm tốn, thích nhường sân khấu cho người khác,
- nếu là người Hướng ngoại thì rất giỏi chiêu hiền đãi sĩ, vinh danh nhân tài, đắc nhân tâm và dùng người rất giỏi,
- còn nếu Hướng nội thì cực kỳ độc lập, tỉ mỉ, tính tập trung và kiên định cao, tránh tranh chấp nhưng cũng không ngại đứng giữa một rừng tranh chấp vì tâm họ bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Có điều đặc biệt là người Từ ngoài nhìn vào không chịu thừa nhận mình là kiểu người như vậy đâu nha các bạn, vì họ lo lắng nếu thừa nhận mình hay lo người khác nghĩ gì về bản thân thì tức là mình yếu đuối. Còn người từ Trong nhìn ra thì không thừa nhận mà cũng chẳng phủ nhận gì cả, do họ liên tục trong trạng thái tìm hiểu môi trường bên ngoài nên không để ý đến bản thân mình.
Đến đây Martin biết các bạn đã thấy rộn ràng nở hoa vì sung sướng khi được biết thêm một công cụ cực mạnh gọi là Bản đồ tính cách 16 nhóm. Với tấm bản đồ này, bạn có thể định vị rõ ràng vị trí của bản thân, người thân, bạn bè, và cả…đối thủ cạnh tranh nữa. Phần quan trọng nhất của Tấm bản đồ: cách kết hợp 5 yếu tố để cấu thành ra một nhóm tính cách, cũng như cách phân loại nhanh từ 16 nhóm thành 4 nhóm tổng quát.
Giữa muôn trùng đại dương cuộc đời, định vị được bản thân không phải chuyện dễ ha. Nhưng đừng lo nha, vì giờ đây trong tay các bạn đã có một công cụ tâm lý học cực mạnh, là một tấm bản đồ với đầy đủ các mảnh ghép về mỗi cá nhân chúng ta. Phần trước chúng mình đã đi qua 5 yếu tố cơ bản để ghép thành các nhóm tính cách, vậy hôm nay mình sẽ cùng tìm hiểu đến phần quan trọng nhất, đó chính là cụ thể từng nhóm tính cách một nhé.
Nếu mà bạn tinh ý thì sẽ nhận thấy 5 yếu tố với 2 options, thì phải tạo ra 32 tính cách chứ, sao có 16 nhóm vậy nhỉ? Đó là bởi vì, yếu tố cuối cùng trong 5 yếu tố mà ở bài trước mình có giới thiệu, tức là Cách đặt góc nhìn bản thân, không ảnh hưởng nhiều đến đặc trưng tâm lý gì độc đáo ở mỗi người, mà nó chỉ tạo ra cách tiếp cận vấn đề khác nhau:
- một phiên bản sẽ tham vọng hơn, dễ căng thẳng hơn, hay tự ti và lo lắng hơn,
- và phiên bản còn lại khiêm tốn hơn, bình tĩnh hơn, và tự tin thoải mái hơn mà thôi.
Đây cũng là một yếu tố thay đổi dễ nhất, thông qua trải nghiệm sống, sự trưởng thành, và sự tập luyện bồi dưỡng tâm hồn, là một vấn đề mà Martin đang nghiên cứu rất sâu để sau này chia sẻ và tạo giá trị thực chất cho các bạn thông qua các sản phẩm khởi nghiệp chu đáo của mình.
Giải quyết xong yếu tố thứ 5, chúng ta tìm hiểu 4 nhóm yếu tố quan trọng hơn nha. Để nhắc lại cho các bạn khỏi quên, 4 nhóm yếu tố này gồm:
- Cách lấy năng lượng (hướng ngoại/hướng nội),
- Ưu tiên sử dụng năng lượng (trừu tượng/cụ thể),
- Giá trị ưu tiên trong việc ra quyết định (lý trí/tình cảm), và
- Chiến lược sống (kỷ luật/tuỳ cơ ứng biến).
Để gọn trong việc gọi tên và sắp xếp các nhóm tính cách, thì người ta dùng các chữ viết tắt trong tiếng Anh để đặt cho từng options trên.
- Hướng ngoại – Extroverted (viết tắt là chữ “E”)
- Hướng nội – Introverted (I),
- Trừu tượng – Intuitive (N),
- Cụ thể – Observant hay Thực tế – Sensor (S),
- Lý trí – Thinking (T),
- Tình cảm – Feeling (F),
- Kỷ luật – Judging (J),
- Tuỳ cơ ứng biến – Prospecting (P).
Chúng ta có 4 yếu tố, mỗi yếu tố có 2 options, tổng cộng sẽ là 16 nhóm tính cách, được đặc trưng bởi 4 chữ cái viết tắt, ví dụ như tính cách ESTJ, ENFP, INTJ, ISFP… Mỗi một tính cách đều sở hữu cho mình những đặc trưng rất riêng biệt, các điểm mạnh điểm yếu, khả năng đặc biệt, xu hướng nghề nghiệp, cách tiếp cận vấn đề tình cảm, cách kết bạn, cả cách nuôi dạy con cái nữa đó. Nhưng trước khi đi chi tiết từng tính cách, mình sẽ hướng dẫn cách chia các tính cách thành 4 nhóm tổng quát. Các bạn sẽ nhận thấy một điều cực thú vị, đó là không chỉ những người cùng một tính cách mới có nhiều điểm tương đồng, mà những người trong cùng một nhóm tổng quát cũng có rất nhiều điểm giống nhau.
Tiêu chí phân chia thứ nhất là giữa những người trừu tượng (viết tắt bằng chữ N) và những người cụ thể (S). Lý do thì quá rõ ràng, Ưu tiên sử dụng năng lượng của hai nhóm này đối lập nhau hoàn toàn.
- Một bên thì ưu tiên thời gian và năng lượng vào việc cụ thể, hẳn hoi, dễ thấy ngay trước mắt,
- còn một bên lại xem trọng những khái niệm cao siêu, trừu tượng, kỳ bí, lớn lao không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Hai nhóm này đối lập rất dữ dội, ở trạng thái cực đoan nhất, một bên sẽ coi thường và chế giễu bên kia là lơ ngơ ngáo ộp, bên kia lại coi rẻ bên này là hời hợt, nông cạn, kém sâu sắc.
Lại trong nhóm tổng quát Trừu tượng “N”, có sự khác biệt rất lớn giữa những người Lý trí trừu tượng (NT) và Tình cảm trừu tượng (NF). Lý do là vì khi tập trung suy tư xa xăm, thì người ta lại khác nhau về chủ đề của cuộc suy tư đó. Một kiểu sẽ suy tư về kiến thức, khoa học tự nhiên, kinh tế, chính trị, làm giàu… còn một bên sẽ suy tư về đạo đức, tư tưởng, lý tưởng sống, và các giá trị nhân văn cao cả.
Từ đây phân ra hai nhóm tổng quát, đó là:
- những người mang đặc điểm NT, gọi chung là Nhóm tổng quát Trí tuệ, với điểm mạnh là đầu óc thông minh, tầm nhìn xa, khả năng phân tích và tư duy logic;
- nhóm còn lại đặc trưng NF, gọi chung là Nhóm tổng quát Tư tưởng đạo đức, điểm mạnh là ý thức đạo đức nhân văn rất sâu xa, họ rất dễ xúc cảm với những phẩm hạnh cao quý của nhân loại, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, khả năng diễn thuyết, hùng biện đi vào lòng người.
Còn trong nhóm Cụ thể (S), điểm khác biệt lớn lại là giữa những người Cụ thể kỷ luật (SJ) và những người Cụ thể tuỳ cơ ứng biến (SP).
Người Cụ thể kỷ luật (SJ) là những nhà quản lý xuất sắc, những nhân viên tận tuỵ, những người luôn hoàn thành deadline, những công dân ưu tú của xã hội. Chúng ta nợ họ nhiều thứ, như các dịch vụ chăm sóc y tế, sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, sự ngăn nắp và vệ sinh, sự an toàn của mỗi căn nhà, niềm vui của những bữa tiệc teambuilding công ty nhiệt thành và sôi động.
Còn người Cụ thể và Tuỳ cơ ứng biến (SP) thì sao, các bạn đoán xem với một khả năng đón bắt nhanh chóng từng thời khắc của cuộc sống và phương châm sống cho hiện tại, thích những gì cụ thể, không ngại xắn tay áo và lao ngay vào bất kỳ điều gì làm họ hứng thú, ghét suy nghĩ nặng đầu và những điều cao siêu trừu tượng, ghét cả sự ngăn nắp rập khuôn và những quy định ghi nhớ? Đó là những con người táo bạo nhất, những tay chơi lãng tử hào hoa, những nhà khởi nghiệp đầy đam mê và thích mạo hiểm, và cả những người nghệ sĩ nhạy cảm, hay buồn vui bất chợt, với các khoảnh khắc ngẫu hứng thiên tài làm hàng triệu con tim lệch nhịp.
Người Cụ thể kỷ luật (SJ) được gọi là Nhóm tổng quát Trách nhiệm, còn Cụ thể tuỳ cơ ứng biến (SP) là Nhóm tổng quát Khám phá.
Tới đây mình sẽ đi sâu hơn đặc trưng của từng tính cách một.
– Nhóm Trí tuệ (NT):
ENTJ: hướng ngoại, trừu tượng, lý trí và kỷ luật, tên gọi của tính cách này là Nhà lãnh đạo tài ba. Đây là thần tượng của nhiều người, và niềm e ngại của nhiều người khác. Họ dẫn dắt, truyền đạt tầm nhìn, thúc đẩy đội ngũ tiến lên phía trước, suy nghĩ lớn lao và đam mê chinh phục những đỉnh cao. Điểm yếu: kiêu ngạo, ích kỷ, thô lỗ, áp bức và bỏ mặc người yếu thế trên đường đi đến vinh quang. Người nổi tiếng: Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, Tần Thuỷ Hoàng, Donald Trump.
ENTP: hướng ngoại, trừu tượng, lý trí, tuỳ cơ ứng biến, tên gọi: Người có tầm nhìn xa. Đây là những người cực kỳ thông minh và tinh quái, họ có những cách xử lý vấn đề rất khôn ngoan và linh hoạt. Tò mò và giỏi ăn nói, họ có khả năng dùng ngôn từ để bắt bí bạn hoặc nguỵ biện rất ghê gớm. Điểm yếu: phi thực tế, vô kỷ luật, lười lao động, hời hợt, tự cho mình hơn người, ham chơi ham ăn ham ngủ. Celeb: Mark Twain, Thomas Edison, Joker (phim Batman).
INTP: hướng nội, trừu tượng, lý trí, tuỳ cơ ứng biến, tên gọi: Nhà phân tích. Đây là một cuốn bách khoa toàn thư, cái gì cũng nghiên cứu nghiền ngẫm phân tích. Họ có khả năng chăm chú hàng giờ đồng hồ để tìm hiểu toàn bộ chu trình vận hành và các logic thú vị bên trong của một hệ thống máy móc…chỉ để thoả óc thích nghiên cứu vậy thôi. Nhìn tưởng họ chảnh và khinh người, nhưng thực ra là vì họ không giỏi giao tiếp, chỉ thích suy tư và tìm tòi, họ cũng có thể đưa ra những giải pháp và ý tưởng rất sáng tạo đấy. Điểm yếu: phi thực tế, vô kỷ luật, tự cho mình hơn người, lười lao động và vận động nói chung, ngại giao tiếp, lạnh lùng, lập dị. Celeb: Sherlock Holmes, Albert Einstein, Bill Gates, Issac Newton, Archimedes (Ác-si-mét) .
INTJ: hướng nội, trừu tượng, lý trí, kỷ luật, tên gọi: Chiến lược gia đại tài. Đây là một hiện thân sống động của các nhà chiến lược quân sự cổ đại thời xưa, những người nổi tiếng thuộc nhóm gồm Gia Cát Lượng, Mourinho, Putin, Tôn Tử. Nghe là hoành tráng rồi, họ thông minh và kỷ luật thép. Họ xem cuộc đời như một ván cờ nơi mà mỗi nước đi đều cần phải tính toán cẩn thận. Họ khao khát thành công và không ngại chơi khô máo với đối phương nếu cần thiết. Điểm yếu: kiêu ngạo, lạnh lùng, độc đoán, đòi hỏi cao, hà khắc, thích so sánh hơn thua.
– Nhóm Tư tưởng đạo đức (NF):
Để đọc được phần này thì các bạn phải nhớ kéo xuống phần comment và tương tác với bài post bằng bất kỳ dấu chấm, dấu cộng/trừ, gif hay thắc mắc bất cứ điều gì. Các bạn ủng hộ nhiều mình mới viết tiếp phần ba, có bao nhiêu kiến thức mình sẽ từ từ chia sẻ lại cho các bạn hết, tha hồ ứng dụng vào cuộc sống và tự tin định vị giữa đại dương bao la với tấm bản đồ thần kỳ này nha.
Xem thêm: Thái độ là gì? Ý nghĩa, thành phần, ví dụ về thái độ
Đây là một trong chuỗi bài chia sẻ kiến thức học được từ Israel mà Martin đã hứa sẽ chia sẻ trọn vẹn lại cho mọi người. Những kiến thức bổ ích như thế này rất khó nấu ngon, từ việc chọn nguyên liệu đã phải là những gì bổ ích nhất, nguồn gốc xuất xứ uy tín chất lượng, cho đến công nấu sao cho thật dễ ăn và ngon miệng. Đó không phải công việc dễ dàng đâu nha, nên nếu các bạn thấy bổ ích thì mình nhớ phải bấm like, share và follow see first trang facebook Martin Trương Đức Minh của mình ngay và luôn.
Martin Trương Đức Minh